Lương Văn Can và phong trào Đông kinh nghĩa thục [P3]   21/01/2020

Lương Văn Can và phong trào Đông kinh nghĩa thục [P3]

  1. BanTrước tác

Biên soạn, dịch thuật các tài liệu học tập và tài liệu tuyên truyền là nhiệm vụ của Ban Trước tác. Xuất bản và dịch thuật các tài liệu Tân thư được xem như cương lĩnh hành động chung của sĩ phu Duy tân bấy giờ, chủ trương dùng văn tự nước nhà, hiệu đính sách vở cốt thiết thực, sửa đổi phép thi, cổ võ nhân tài, chấn hưng công nghệ, xuất bản báo chí,...

Các sách giáo khoa chữ Hán được in bản gỗ, trên giấy lĩnh làng Bưởi như Nam quốc địa dư, Nam quốc vĩ nhân truyện, Quốc dân độc bản. Sách Quốc ngữ thì in bằng thạch, chủ yếu là những bài ca dễ đọc, dễ nhớ, như Kêu hồn nước, Á tế á, Đề bỉnh quốc dân, Thiết diễn ca,... Các sách dịch đầu tiên là những bộ Tân thư như Trung Quốc Tân giáo khoa thư, Văn minh Tân học sách...

Chỉ trong vòng mấy tháng, ban này đã soạn được nhiều sách giáo khoa cho mục đích dạy học của nhà trường, ngoài ra còn biên dịch nhiều Tân thư chữ Hán. Nhờ Đông Kinh Nghĩa Thục mà tiếng Việt hiện đại đã có thêm nhiều từ mới.

Đông Kinh Nghĩa Thục với danh nghĩa một trường tư thục, được tổ chức theo một mô hình mới, khác hẳn những trường chữ nho cũ, cũng không giống các trường Pháp - Việt đương thời. Trường chủ trương dạy bằng chữ quốc ngữ là chính, kèm thêm chữ Hán, chữ Pháp. Chương trình học gồm nhiều môn: từ Văn học, Lịch sử, Địa lý đến Toán học, Khoa học thường thức; có cả môn Luân lý, Cách trí và Thể dục. Trường áp dụng phương pháp giảng dạy mới, với nhiều hình thức sinh động như giảng sách, đọc báo, bình văn, diễn thuyết và những buổi ngoại khóa nói chuyện thời sự hoặc khoa học.

Lực lượng cộng tác viên và giảng viên của trường hầu hết là những trí thức yêu nước tiến bộ đương thời, kể cả cổ học và tân học. Ngoài hai vị phụ trách chính là Lương Văn Can và Nguyễn Quyền (sinh năm 1869, mất năm 1941, người làng Thượng Trì, huyện Thuận Thành, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh), những sĩ phu có uy tín, còn  nhiều nhân vật có tiếng tham gia, như chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, các học giả và nhà văn Hoàng Tăng Bí, Đào Nguyên Phổ, Dương Bá Trạc, Lê Đại, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Hữu Cầu, Phạm Duy Tốn, Võ Hoành,...

Chỉ trong một thời gian ngắn, Đông Kinh Nghĩa Thục đã gây được ảnh hưởng sâu rộng trong cả nước. Ngoài trường chính ở Hà Nội, nhiều tỉnh lần lượt thành lập trường theo mô hình ấy và phần lớn lấy tài liệu giảng dạy ở trường Hà Nội. Nhà trường còn xuất bản sách, báo, in và phát hành những tài liệu bí mật và công khai để cổ động cách mạng. Bắt đầu là ở Hà Đông, quê hương của nhiều sáng lập viên nghĩa thục có tên tuổi như Vũ Trác, Hoàng Tăng Bí; ở Hoài Đức còn có 3 phân hiệu nghĩa thục ở thôn Canh, Tây Mỗ, Tân Hội; ở Hưng Yên cũng có 2 huyện có nghĩa thục, lại còn mở thêm một hiệu buôn nội hoá là Hưng Lợi Tế.  Hải Dương, Thái Bình, nghĩa thục cũng phát triển khá mạnh mẽ; ở đó còn tổ chức ra nhiều hội ái hữu, tương tế. Thậm chí, nghĩa thục của Thái Bình còn cử người đi liên hệ với phong trào chống Pháp của Hoàng Hoa Thám, muốn ứng viện cho nghĩa quân Yên Thế,...

Như vậy, Đông Kinh Nghĩa Thục mang danh một trường học nhưng thực chất là một tổ chức cách mạng hoạt động bán công khai, tập hợp các lực lượng yêu nước, trở thành một trung tâm hoạt động văn hóa mang tính chất dân tộc, dân chủ. Thông qua nội dung giảng dạy và các hoạt động ngoại khóa, nhà trường đã tố cáo chính sách ngu dân thâm độc của thực dân Pháp, qua đó thức tỉnh tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc của học viên, nhằm mục đích cuối cùng là đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước. Cùng với nội dung giáo dục lòng yêu nước, nhà trường còn truyền bá tư tưởng cách tân nhằm mở mang dân trí, dân sinh, tiến tới làm cho nước mạnh, dân giàu, xã hội văn minh, tiến bộ.

Mới đầu bọn thống trị Pháp tưởng Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ là một tổ chức có tính chất cải lương. Sau thấy đó chính là một "cái lò phiến loạn" thật sự ở Bắc Kỳ, lập tức chúng thẳng tay đàn áp. Tháng 12 năm 1907, chúng ra lệnh đóng cửa trường và lần lượt bắt giam những người chủ trì. Thục trưởng Lương Văn Can, bị đưa đi an trí 10 năm ở Phnôm Pênh (Campuchia). Mãi đến năm 1924, ông mới được trở về nước và mất tại Hà Nội vào năm 1927. Huấn đạo Nguyễn Quyền - nhân vật số hai, bị đày đi Côn Đảo, sau về an trí ở Bến Tre, rồi mất ở Sa Đéc. Một số sĩ phu khác cũng bị giam cầm hoặc giám sát, cấm hoạt động.

Có thể nói, Đông Kinh Nghĩa Thục  một sự kiện nổi bật trong năm Đinh Mùi đầu thế kỷ XX, tuy không tồn tại được bao lâu, nhưng đã ghi lại một nét son chói lọi trên trang sử cách mạng Việt Nam. Cùng với các phong trào Đông Du và Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục đã đóng vai trò quan trọng trong việc động viên lòng yêu nước, đồng thời mở đầu cho công cuộc cách tân văn hoá nước nhà.

0948199559